Monday, March 17, 2014

Chồng Già Vợ Trẻ Là Tiên? Khanh An

@On the Net

Khi nói đến tiêu chuẩn của một cặp tình nhân hoặc vợ chồng, tuổi tác dường như là điểm quan trọng nhất thường được chú ý đến để có những câu phê bình như “chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần”.  Và lý tưởng nhất vẫn là  quan niệm của các bậc tiền bối của chúng ta “Gái hơn hai, trai hơn một”, có nghĩa nếu lấy vợ hơn hai tuổi hoặc chồng hơn một tuổi thì sẽ rất hạnh phúc, vợ chồng tuổi tác cách biệt quá giống như đôi đũa lệch, không tạo được sự quân bình trong cuộc sống lứa đôi.
Ngày nay quan niệm này có thể bị cho là lỗi thời vì tình yêu không những mù quáng mà còn rất “vô tư”, không thiên vị kẻ già người trẻ.

*
Chúng ta thường nói đến duyên số dựa theo một điển tích của Tàu cho rằng Nguyệt lão đã se sợi chỉ hồng để định đoạt chuyện vợ chồng rồi thì có muốn tránh cũng không thoát khỏi số mệnh. Thế nhưng duyên số là gì nếu không phải là sự cảm thông nhau về quan niệm sống, chia sẻ những giá trị về mặt tinh thần, và những kinh nghiệm đã trải qua dẫn dắt cho hai người tri âm tri kỷ gặp nhau khiến họ có thể coi nhẹ nhân dáng bên ngoài hay tuổi tác cách biệt. Duyên số cũng cần đến mức độ trưởng thành về mặt tình cảm và tâm hồn để hai người sẵn sàng bước vào một quan hệ mang nhiều thử thách.

Thử thách vì họ phải có đủ lòng tự tin khi quyết định đến với nhau, không bị những ý kiến bên ngoài dư luận ảnh hưởng đến đời sống tình cảm riêng tư của họ. Trong khi tình yêu hoàn toàn không đếm xỉa gì đến tuổi tác, thì dư luận lại có thói quen chỉa mũi dùi vào những trường hợp đi ngược lại cái gọi là sự chuẩn mực của xã hội, như quan niệm “gái hơn hai, trai hơn một”.

Sự cách biệt quá lớn về năm sinh có thể vượt qua một cách dễ dàng khi người lớn tuổi hơn còn đủ sức khỏe thể chất và tuy rằng không còn trẻ trung nữa nhưng cũng không hẳn là già. Thử lấy một thí dụ về tuổi tác cách biệt nhau là 20 năm. Một người 50 tuổi có thể có nhiều sức sống và niềm đam mê hơn một người 30 tuổi luôn mang tâm trạng chán đời. Ngược lại, người trẻ 30 tuổi cũng có thể có được sự già dặn về mặt tâm lý không kém người 50 tuổi. Sức sống trẻ trung của người 50 tuổi và ý thức trưởng thành của người 30 tuổi san bằng khoảng cách biệt thời gian giữa hai người, và tình yêu là cây cầu đưa hai người tri kỷ đến với nhau. Tuổi tác không nằm trong khoảng thời gian từ khi sinh ra đời cho đến thời điểm hiện tại, mà hiện hữu qua thái độ sống rất lạc quan của người lớn tuổi và đầy tự tin vào bản thân của người kém tuổi hơn.

@On the Net

Thế nhưng mặt trái của vấn đề là sau hơn chục năm chung sống, số năm cách biệt giữa hai người một già một trẻ sẽ trở thành lớn hơn so với thuở mới bước chân vào đời nhau. Một chục năm trời đủ quá dài để thay đổi nhân sinh quan, sở thích, sức khỏe thể chất của con người. Do đó khi bước chân vào một liên hệ phức tạp với khoảng cách biệt tuổi tác, kèm theo nhiều bất trắc hơn là ổn định, cả hai bên đều phải rất thực tế và thành thực với nhau, để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống chung.

Chú rể Howard Marshall, 89t- Cô dâu Anna Nicole Smith,26 t @On the Net

Đàn ông lớn tuổi có người yêu hoặc vợ nhỏ tuổi hơn là chuyện quá thường tình trong xã hội thượng lưu ngày nay, và người Tây phương thường nói đến chữ trophy wife để ám chỉ những bà vợ trẻ đẹp được các ông chồng cao niên coi như một chiến tích trang trí cho cuộc sống giàu sang của các ông.

Hôn nhân giữa một người đàn ông cao niên với người vợ trẻ có thể không bị vấn đề tình dục lứa đôi ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc, nhưng nếu người cha có con ở tuổi ngoài 50, ông sẽ rơi vào cảnh cha già con cọc vì đến khi ông ngoài 70 tuổi, đứa con chỉ mới 20. Sự cách biệt tuổi tác quá lớn giữa hai cha con sẽ ảnh hưởng đến mối cảm thông và hòa hợp giữa hai thế hệ.  Người ta cũng có thể dễ dàng rơi vào một tình huống dở khóc dở cười khi bị lầm tưởng là cha con đi với nhau khi bước chân vào một tiệm ăn hay một khách sạn trong dịp nghỉ hè.

Trường hợp phụ nữ ở quá tuổi trung niên có người yêu ở tuổi tráng niên cũng là hiện tượng phổ biến, đặc biệt trong giới tài tử, ca sĩ. Những chàng trai trẻ này được gọi là “toyboy” và những phụ nữ cao tuổi cặp bồ với “toy boy” được khoác cho hỗn danh “cougar” theo nghĩa đen là giống sư tử hay báo. Những mối tình khập khễnh kiểu này không có được sự lâu bền, vì sức hấp dẫn thuở ban đầu của người phụ nữ luống tuổi đối với người yêu trẻ tuổi sẽ phai nhạt dần cùng với mức độ của sức hút trái đất. Vì vậy cho dù tự tin cách mấy chăng nữa, người phụ nữ lớn tuổi khó có thể giữ vững thái độ bình tĩnh trước nét trẻ trung đầy sức hấp dẫn của biết bao nhiêu những cô gái trẻ đẹp khác đang vây quanh anh chàng “toy boy”. Tâm trạng khắc khoải lo âu trở thành kẻ thù của nhan sắc càng làm tăng thêm áp lực khiến “nàng”  phải tìm đủ mọi phương cách giải phẫu thẩm mỹ để giữ được nhân dáng tươi trẻ và da dẻ  mịn màng.

Ivana Trump và "toy boy" @On the Net
Cher và 'toy boy' @ On the Net

Thông thường, khi nói đến tình yêu người ta nghĩ đến tuổi trẻ và có thể bị cho là lố bịch nếu vẫn còn tiếp tục yêu đương lãng mạn ở cái tuổi bị coi là quá già để yêu.

Ngạn ngữ Tây phương có câu it’s never too late to fall in love. Không bao giờ quá già để rơi vào lưới tình.

Hoặc như nhà văn Mark Twain nói: Tuổi tác chỉ quan trọng khi ta nghĩ đến nó, nếu không nghĩ đến nó thì chẳng có gì đáng phải quan tâm.

Và một chính khách Hoa Kỳ là ông Bernard M. Baruch lại tin tưởng mãnh liệt rằng: Đối với tôi, tuổi già luôn luôn lớn hơn tôi 15 tuổi.

Lại có một câu ngạn ngữ khác nói đến nhu cầu khác biệt giữa tình yêu của tuổi trẻ với tình yêu của tuổi già. Người tình non nớt  thủ thỉ: anh yêu em bởi vì anh cần có em, Người tình chín chắn nhỏ to tâm tình: anh cần có em bởi vì anh yêu em. (Immature love says: I love you because I need you. Mature love says I need you because I love you.)

Hugh Heffner 86t- Crystal Harris 26t @On the Net

Không những không bao giờ quá già để yêu, mà các nhà tâm lý còn khẳng định rằng tình yêu giúp người già sống lâu hơn vì tâm hồn luôn phơi phới vui vẻ, không âu lo sầu não, không lẻ loi chiếc bóng và cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn sau khi trải qua một cơn bịnh nặng hay một cuộc giải phẫu. Bởi có được một người yêu thương mình hiện diện trong buổi hoàng hôn cuộc đời sẽ giúp cho người ở lứa tuổi trung niên và cao niên có thêm nghị lực để vượt qua những thử thách của tuổi tác và thời gian.

Con người trải qua quá trình trưởng thành ở những mức độ khác nhau, và sự trưởng thành trong tình cảm cũng không ngoại lệ. Cuộc sống là một hành trình khám phá bản thân và thường phải bước vào tuổi trung niên, mới thực sự biết mình là ai. Khi còn trẻ, sự tương xứng tuổi tác, với những điểm nổi bật nơi nhân dáng, học vị, và gia thế đã được coi là đủ tiêu chuẩn để tiến đến hôn nhân. Chỉ sau khi bước chân vào đời nhau, những khác biệt về tâm ý mới dần tỏ lộ, bắt buộc hai người phải khoan nhượng với các nguyên tắc của chính mình để thoả hiệp với nhau trong cuộc sống chung đồng sàng dị mộng. Về lâu về dài, nếu không tiếp tục thoả hiệp với nhau được nữa thì đành phải chia tay.

Chính vì những lẽ này mà sau khi bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh rồi, hầu như ai cũng thụ đắc được nhiều bài học quý giá như nhau để trang bị cho bản thân một cuộc hành trình khác, giúp họ thành công khi tiến sâu vào một quan hệ tình cảm muộn màng nhưng vững chãi.

Sau một lần đổ vỡ, có thể những điều trước đây được coi là ưu tiên như nhan sắc, ngoại hình thu hút, sự nghiệp vững vàng, địa vị cao sang trong xã hội, nhà to xe lớn sẽ không còn quan trọng nữa mà thay vào đó là ước muốn tìm được một người với những đặc điểm về mặt tinh thần tạo nền tảng vững bền trong tình cảm.  Nét đẹp trong tâm hồn tồn tại trong khi những gì thuộc về bề ngoài phai nhạt dần theo thời gian.

 @On the Net

Lại có một câu hỏi khác được đặt ra là tuổi tác cách biệt có lợi hay bất lợi như thế nào đối với hai phe nam giới và nữ giới?

Julia Cole, một nhà tư vấn hôn nhân, cho rằng nam giới và nữ giới có những mục tiêu khác nhau trong một quan hệ tình cảm với số tuổi cách nhau đến hàng chục năm.

Đối với người đàn ông lớn tuổi, có được một đối tượng trẻ đẹp hơn rất quan trọng vì hình ảnh tươi mát của người đi bên cạnh sẽ khiến ông ta thêm hãnh diện, làm nổi bật nét nam tính nơi một người đã không còn giữ được phong độ thời trai trẻ.

Người phụ nữ trẻ chọn bạn tình lớn hơn mình nhiều tuổi cũng có nhiều điểm lợi. Người tình lớn tuổi là một điểm tựa an toàn, vì ông ta có khả năng leo cao trong nấc thang sự nghiệp, thành công mau chóng và dễ trở nên giàu có hơn. Ông ta sẽ là một người cố vấn khôn ngoan, đem lại cho người phụ nữ trẻ nhiều cơ hội mà bản thân cô không thể tự tạo cho mình, thí dụ như những quen biết cần có để tiến thân. Tuy nhiên, khi cô ta trưởng thành hơn với những kinh nghiệm học hỏi được nơi người bạn tình (già), cô không còn cần đến sự che chở và lời cố vấn của ông ta nữa. Mối quan hệ giữa hai bên sẽ không còn có lý do để tồn tại.

Trong khi đó đối với phụ nữ lớn tuổi, cặp kè với một người đàn ông trẻ trung hơn mình chỉ với mục đích vui chơi giải trí, (và có thể để “dối già”) nhưng họ cũng chẳng hề mong đợi quá nhiều vào bất cứ điều gì khác trong một quan hệ như vậy.  Những phụ nữ lớn tuổi này trở thành biểu tượng của một Mrs Robinson, nhân vật nữ trong phim The Graduate, gian diú tình cảm với cậu học sinh ngây thơ 21 tuổi mới ra trường. (Simon & Garfunkel đã sáng tác nhạc phẩm bất hủ Mrs Robinson để làm nhạc nền cho phim The Graduate). Tuy nhiên những “Mrs Robinson” thường không đạt mức độ thành công cao, không có quyền lực và chức vị cao cấp như các ông lớn tuổi nên đa số các chàng “toy boy” chỉ đến với họ vì tình dục, khác với ý hướng của các cô gái trẻ cặp bồ với các ông cao niên.

Poster phim The Graduate @ On the Net

Julia Cole đưa ra lời cảnh báo, bất kể nam giới hay nữ giới nếu là người lớn tuổi hơn trong một quan hệ tình cảm với khoảng cách tuổi tác quá lớn, lại ôm hy vọng rằng mối tình này sẽ vững bền và lâu dài thì đây quả là điều bất hạnh cho họ. Họ có thể cảm thấy vui và hứng khởi, cái Tôi được thỏa mãn khi mới bước chân vào cuộc chơi, nhưng càng ở lâu bên người bạn tình trẻ tuổi, họ càng bị bắt buộc phải nhìn vào sự thật phũ phàng là tuổi đời của chính mình.
Nếu quyết tâm bước sâu hơn để tiến đến hôn nhân, hai bên cần phải đặt cho nhau những câu hỏi quan trọng về sự thay đổi khó tránh được. Thí dụ như tình yêu có mạnh đến đâu chăng nữa, liệu rằng khi chạm mặt với thực tế phải chăm sóc cho một người già yếu bịnh hoạn, người trẻ hơn có kham nổi công việc này hay không hay sẽ hối tiếc quyết định ban đầu của mình?

Julia Cole cho rằng cuối cùng thì chỉ có những cô gái trẻ là hưởng lợi nhất khi ra đi. Họ có được cuộc sống vật chất dư thừa trong khi cùng lúc phát triển kỹ năng cùng với sự trưởng thành, thụ đắc được kinh nghiệm mà người đàn ông lớn tuổi chỉ dạy cho họ. Khi ra đi, họ có trong tay tất cả các chìa khóa mở được mọi cánh cửa với tuổi trẻ còn nguyên vẹn của họ như đoá hoa hàm tiếu.
Nhận định của Julia Cole khiến chúng ta không thể không nghĩ đến những cuộc hôn nhân như đôi đũa lệch giữa một ông cao niên Việt kiều và cô gái trẻ muốn rời khỏi nước để định cư ở ngoại quốc. Tuổi tác cách biệt, giá trị tinh thần, quan điểm về chính trị, tôn giáo, đạo đức xã hội và các yếu tố tình cảm khác như tình yêu sẽ phải nhường bước cho nhu cầu ưu tiên của hai bên.

Trường hợp các ông về nước lấy vợ trẻ xem ra nhiều hơn phiá các bà, vì vậy có người thắc mắc đặt câu hỏi “nguyên nhân và hoàn cảnh nào đã đưa đẩy những người đàn ông Việt Nam trung niên hoặc cao niên về nước tìm người nâng khăn sửa túi mà không tìm một người vợ lý tưởng ở ngay nơi chốn mình đang sinh sống”.

Có phải vì tìm vợ trẻ tuổi hơn ở ngoài này khó như tìm lá diêu bông chăng, hoặc tìm em như thể tìm chim, chim bay biển Bắc anh tìm biển Đông?

@On the Net

Thế nhưng thử làm một chuyến du lịch VN, tất cả các quý ông thuộc đủ mọi thành phần và tuổi tác, từ thanh niên đến trung niên, và thậm chí các cụ cao niên sinh sống ở hải ngoại đều có cơ hội trở thành chú rể nếu có ý định tìm vợ ở trong nước. Câu ca dao “Trai khôn tìm vợ chợ Đông, Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” xem ra không còn thích hợp đối với hiện tình trong nước nữa. Đàn ông ở ngoại quốc về quê, gọi nôm na là Việt kiều Mỹ, Úc, Pháp, Anh v.v… được các bà các cô coi trọng hơn đàn ông trong nước, vì có thể những người này cho biết họ là những giám đốc, những chủ nhân các cơ sở kinh doanh ở ngoại quốc với lợi tức cao và tài sản dồi dào.

Một số dư luận cho rằng các cô ở Việt Nam không thực sự lấy chồng Việt kiều vì tình yêu mà chỉ vì muốn thoát ra khỏi một đời sống kinh tế khó khăn trong một đất nước không có nhân quyền và dân chủ, nên cách nhanh nhất là lấy chồng ở ngoại quốc. Họ không đặt tiêu chuẩn cao thấp về học vấn, địa vị, hay tuổi tác miễn là người chồng tương lai có thể bảo đảm cho cuộc sống của họ ở xứ người. Dù sao lấy một ông chồng Việt kiều vẫn an toàn và ít rủi ro hơn là lấy chồng xứ lạ ở Tàu, Đại Hàn, hay Đài Loan.

Dư luận thường không có cái nhìn khách quan đối với các cô dâu VN lấy chồng Việt kiều lớn tuổi. Bởi có những trường hợp các quý ông cao niên về Việt Nam lấy vợ bằng tuổi con gái mình, đem qua Úc, sống với nhau chỉ vừa đủ ngày tháng cho đến khi có được tấm giấy chứng nhận thường trú, “nàng” đã hát bài “anh đường anh, em đường em”, bỏ lại người chồng già trong cảnh dở khóc dở cười “anh đã lầm đưa em sang đây”. Không thể trách cô dâu Việt Nam lợi dụng tình cảm ông cao niên Việt kiều vì “chàng” phải chịu một phần trách nhiệm trong cuộc hôn nhân nửa đường gãy gánh này khi “chàng” không tự lượng sức, lấy vợ trẻ đẹp, tràn đầy nhựa sống, trong khi tuổi mình đã xế chiều, và sức khỏe chỉ vừa phải.

Trong một dịp tình cờ, người viết nhìn thấy một người đàn ông vào độ tuổi hơn lục tuần bước vào quán ăn với người thiếu phụ trẻ khoảng ngoài ba mươi bế đứa bé trên tay. Người đàn bà có vẻ rụt rè trước cái nhìn soi mói của những thực khách chung quanh. Có thể người ta chú ý đến chị vì chị còn giữ được nhiều nét Việt Nam, từ cách phục sức đến kiểu tóc, khác với hình ảnh của những phụ nữ VN khác đã sinh sống lâu năm ở hải ngoại. Nét tươi trẻ của người phụ nữ bên cạnh gương mặt hằn in sức tàn phá của thời gian nơi người đàn ông luống tuổi (dù mái tóc đã được nhuộm đen) cho thấy sự chênh lệch tuổi tác không thể che dấu. Chắc chắn qua những lời đối thoại giữa hai người, không ai có thể lầm tưởng rằng đây là một gia đình gồm 3 thế hệ, người cha, người con gái và đứa cháu nhỏ.

Nhìn hình ảnh một già một trẻ, không thể không nhớ đến bài hát Hai Mươi Bốn Mươi của nhạc sĩ Y Vân  “... khi anh 20 em mới sinh ra đời, ngày em 40 anh mới vừa 20, khi em còn trong nôi anh đã lo việc đời….”.

@On the Net

Nói cho cùng, mặc cho tuổi tác có cách nhau đến mấy chục năm chăng nữa, nhưng nếu xứng về nhân cách, ngang tầm về tri thức, đồng thuận về tư duy mà lại có người vợ trẻ trung hiền thục thì không những “xứng đôi vừa lứa”, còn được tiếng khen “Chồng già vợ trẻ là tiên”.

Cho nên có đi du lịch VN tìm người vợ (trẻ) nâng khăn sửa túi cũng là chuyện thường tình thế gian.

©Khanh An @HVR

No comments:

Post a Comment