Friday, February 14, 2014

Thanh Tâm Tuyền Và Những Bước Chân Khai Phá Dòng Thơ Mới - Khôi Nguyên

@duy thanh,1964

Từ một câu danh ngôn không rõ xuất xứ: “Thơ là những nhạc khúc không cần nhạc cụ”, có lẽ những người yêu chuộng văn chương sẽ dễ dàng liên tưởng đến mối tương quan mật thiết giữa âm nhạc và thơ văn vốn có chung đặc tính về âm điệu. Cũng vì vậy mà khi đề cập đến dòng thơ mới, hay còn gọi là thơ tự do của nền văn học cận đại Việt Nam, người ta còn thấy có rất nhiều tác phẩm được phổ thành những nhạc khúc bất hủ như “Chiều Trên Phá Tam Giang” (thơ Tô Thùy Yên), “Thà Như Giọt Mưa” (thơ Nguyễn Tất Nhiên), “Áo Lụa Hà Đông” (thơ Nguyên Sa) v.v...Ngoài ra, từ nét tương đồng lý thú giữa thơ và nhạc, sự hình thành của dòng thơ mới trên thi đàn Việt Nam còn được ví như hiện tượng ra đời của thể loại nhạc Jazz, Blues hoặc Hip Hop của thời đại ngày nay vốn hoàn toàn không bị gò bó trong khuôn khổ âm luật.
So với các thể loại thơ trói mình trong quy luật của âm tiết, vần điệu và cú pháp như một cậu học sinh phải mặc đồng phục mỗi khi đến trường, dòng thơ mới được hình thành tại miền Nam Việt Nam trong những năm cuối thập niên 1950 để đáp ứng nhu cầu truyền tải cảm xúc của các thi nhân qua cách dụng ngữ thông thoáng, bóng bẩy, tự nhiên và…táo bạo hơn. Đó chính là hình ảnh của một chàng sinh viên bước vào ngưỡng cửa Đại Học với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ hăng say trên con đường tương lai mở rộng trước mặt.
Và một trong những ngòi bút khai lộ mở đường, để mang “hơi thở” tự do tràn đầy không khí sinh tươi, mới lạ vào dòng thơ mới Việt Nam nổi tiếng nhất là cố nhà văn kiêm thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (hưởng dương 70 tuổi).
Vốn là một cây bút tiên phong trong ban biên tập của tạp chí “Sáng Tạo” được thành lập từ năm 1956, Thanh Tâm Tuyền đã để lại nhiều ảnh hưởng sâu đậm đối với giới văn học miền Nam Việt Nam sau đó qua thể loại thi ca. Do quy tụ được các văn nghệ sĩ và họa sĩ thuộc trường phái cách tân, chủ xướng việc cải cách thi văn như Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Lý Hoàng Phong, Lữ Hồ, Thanh Nam, Nguyễn Sỹ Tế, và Cung Tiến, nên nhóm “Sáng Tạo” đã trở thành một tập hợp nghệ sĩ hùng hậu, mang lại nét sinh hoạt khởi sắc cho nền văn học cận đại miền Nam Việt Nam chẳng những vào lúc đương thời mà còn để lại nhiều âm vang đến nay. Qua đó, những dòng thơ mới mang nhiều sắc thái tổng hợp, con người có tâm hồn nghệ thuật văn chương đặc biệt của Thanh Tâm Tuyền được xem là nét nổi trội nhất ở lĩnh vực thi ca.
*
Dzư Văn Tâm, tên thật của Thanh Tâm Tuyền nghe cũng ngộ nghĩnh như ngòi bút bật ra những lời thơ nồng cháy cảm xúc của ông. Nhà thi sĩ chào đời ngày 13/3/1936 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và từng đứng trên bục giảng tại trường Minh Tân, Hà Đông từ năm 1952. Ông di cư vào Nam sau biến cố chia đôi đất nước 1954. Từ khi đặt chân đến thủ đô Sài Gòn, Thanh Tâm Tuyền đã nhanh chóng khai bút qua nguyệt san “Lửa Việt” do ông thực hiện với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế và sau đó cùng nhóm bạn thân trong Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội mà nhà văn Mai Thảo là một cây bút trụ cột, đứng ra thành lập nhóm “Sáng Tạo”.
Theo dòng thời cuộc biến đổi từng ngày của nhịp độ cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam ngày càng gia tăng gay gắt, những sinh hoạt văn học của nhóm “Sáng Tạo” cũng bị giới hạn với các số báo ấn hành chỉ được khoảng vài chục số rồi đi đến khúc ngoặc tan rã khi Thanh Tâm Tuyền lên đường nhập ngũ từ năm 1962. Bốn năm sau, tuy Thanh Tâm Tuyền được giải ngũ nhưng đến năm 1968 theo lệnh tổng động viên, ông tái ngũ, tiếp tục gia nhập quân đội với cấp bậc  Đại Úy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, chuyên ngành phụ trách văn hóa.
*
Gây chấn động gìới thi ca Việt Nam từ tập thơ “Tôi Không Còn Cô Độc” (1956), khi vừa tròn lứa tuối đôi mươi, dường như Thanh Tâm Tuyền muốn khẳng định tựa đề thi phẩm đầu tay của ông như một lời tuyên ngôn hay đúng hơn là lời “dự ngôn” về sự ra đời và phát triển của dòng thơ mới và ông sẽ không là một “chiến sĩ” cô đơn trên bước đường sáng tác loại thơ tự do.
Và khi bước vào “khu vườn văn chương” đầu tiên mang tên “Phục Sinh” trong thi tập “Tôi Không Còn Cô Độc”, Thanh Tâm Tuyền cũng đưa ra cái “tôi” của ông một cách thẳng thắn, khẳng khái, uy nghiêm với lời tự nhủ với chính bản thân ông về ý hướng tự do, phóng thoáng để vượt thoát những rào cản định kiến xã hội khiến ông “buồn nôn” thậm chí còn “buồn chết” qua lời thơ cô động nhưng gẫy gọn cảm xúc:
“Tôi buồn khóc như buồn nôn
Ngoài phố
Nắng thủy tinh
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
Thanh Tâm Tuyền
Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
Tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
Cho đứa nhỏ linh hồn
Sợ chó dữ
Con chó đói không màu
Tôi buồn chết như buồn ngủ
Dù tôi đang đứng bên bờ sông
Nước đen sâu thao thức
Tôi hét tên tôi cho nguôi giận
Thanh Tâm Tuyền…”
Hình ảnh một Thanh Tâm Tuyền đứng riêng một cõi trời với lời kêu gọi vứt bỏ những ràng buộc của mô thức thi ca xưa cũ qua bài “Phục Sinh” còn mang ý nghĩa của sự tái sinh nơi hiện thực trong trào lưu tiến hóa xã hội khi dạng thức của dòng thơ mới tuôn trào lai láng từ tâm hồn cải cách của chàng thi nhân trẻ tuổi tài hoa. Bài thơ này cũng một thời gây tranh cãi vì phong cách dụng ngữ và cấu trúc câu thơ của Thanh Tâm Tuyền quá tân kỳ. Đặc biệt, ý tưởng của bài “Phục Sinh” còn khiến nhiều nhà phê bình văn học đưa đến nhận định về thái độ “phẫn nộ” hoặc “phản kháng” trước thời cuộc là hai đặc tính thường bộc lộ trong nhiều sáng tác đương thời của ông. Thế nhưng, nều nhìn về khía cạnh khách quan thuần túy văn chương, có lẽ nên hiểu rằng đó là những lời “kêu gọi” hoặc “tự thán” thì phù hợp với nhân sinh quan của Thanh Tâm Tuyền hơn.
Riêng về lĩnh vực phê bình văn học, hầu như các nhà bỉnh bút thường có khuynh hướng sử dụng nhiều từ ngữ trừu tượng hoặc nhuộm đầy màu sắc “triết ngôn” để dẫn giải ý tưởng từ tác phẩm của những văn nhân nổi tiếng. Tuy cách phê bình này có nét ưu điểm là bổ sung nhiều góc cạnh ẩn dụ sâu sắc của tác giả, đồng thời cũng mang lại kiến thức mới lạ cho người đọc, nhưng đôi khi cũng có khuyết điểm là tạo khoảng cách xa rời giữa tác giả và giới thưởng ngoạn bình dân. Do đó, sự cảm nhận tự nhiên nơi người đọc mới là yếu tố hình thành sợi dây tương quan với tác giả một cách mật thiết hơn.
Kế đến, hãy nghe lời “tỏ tình” đặc biệt của Thanh Tâm Tuyền qua bài “Dạ Tâm Khúc” vốn là nguồn cảm hứng cho nhà nhạc sĩ phong trần Phạm Đình Chương phổ thành danh khúc cùng tên:
“Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới..”
Quả thật không còn ngôn từ nào vừa tự nhiên vừa chân tình hơn những lời “rủ rê, mời mọc” của chàng thi sĩ mang trái tim lãng mạn nhưng không kém phần thực tế với nỗi khao khát yêu đương tràn đầy đam mê của tuổi trẻ. Gói ghém trong vài câu thơ lưu loát, Thanh Tâm Tuyền đã cho thấy quan niệm mới của ông về tự do luyến ái, sẵn sàng đương đầu trực tiếp với định kiến của “vòng luân lý, đạo đức” của xã hội đương thời.
Qua bản nhạc “Dạ Tâm Khúc” của Phạm Đình Chương, giới ái mộ dòng thơ trực ngôn của Thanh Tâm Tuyền cũng liên tưởng đến bài thơ “Phục Sinh” được coi là ý tưởng mở đường cho tựa đề bài hát “Nắng Thủy Tinh” của Trịnh Công Sơn. “Duyên tình” giữa dòng thơ và âm nhạc giữa Thanh Tâm Tuyền cùng Phạm Đình Chương còn là một sự kết hợp tuyệt dịu của hai nhà nghệ sĩ lớn trong giới văn nghệ Việt Nam ở thế kỷ 20 khi các bài thơ “Bài Ca Ngợi Tình Yêu”, “Đêm Màu Hồng”, “Lệ Đá Xanh” đều trở thành những danh khúc bất hủ tiêu biểu cho nền tân nhạc nước nhà. Riêng bài “Lệ Đá Xanh” được Phạm Đình Chương cảm ý và chuyển tựa đề thành bản nhạc “Nửa Hồn Thương Đau”. Trong khi đó, nhà soạn nhạc trứ danh Cung Tiến vẫn giữ nguyên tựa đề nguyên gốc khi phổ nhạc bài thơ “Lệ Đá Xanh” được Thanh Tâm Tuyền gửi gấm qua những lời thơ tượng hình, lung linh màu sắc :
“Tôi biết những người khóc lẻ loi
Không nguôi một phút
Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
Em biết không
Lệ là những viên đá xanh
Tim rũ rượi…
Đôi khi anh muốn tin
Ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
Mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
Vòng ân ái
Đôi khi anh muốn tin
Ôi những người khóc lẻ loi một mình
Đau đớn lệ là những viên đá xanh…”

@đinh cường, 1993
Từ cách ẩn dụ và tượng hình phong phú, thi nhân Thanh Tầm Tuyền đã thi vị hóa những giọt lệ kết tinh thành màu vẩn thạch tuôn rơi trong trái tim những người mang nặng cơn đau tình ái. Đó là con tim rũ rượi theo tiếng khóc lẻ loi, đơn côi và nặng lòng quyến luyến kỷ niệm. Lời thơ phiêu bạt, thoáng ý, diễn tả cơn đau thấm lệ đã xuyên qua nỗi niềm nhung nhớ của kẻ si tình và đưa Thanh Tâm Tuyền lên ngôi ngự trị vị trí đỉnh cao trong làng thơ mới Việt Nam.
Thêm một đặc tính khác biệt qua bóng dáng “ngạo nghễ” của Thanh Tâm Tuyền trong dòng thơ tự do là ông không hề sử dụng các “chất liệu” mơ màng, mộng mị như các thi nhân tiền bối của thời kỳ văn học tiền chiến trước đó. Vì vậy, trong các tập thơ của Thanh Tâm Tuyền, người đọc không hề bắt gặp hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” (Tiếng Thu) như Lưu Trọng Lư, hoặc “trăm con chim mộng về bay đầu giường” (Ngậm Ngùi) của Huy Cận” hay loay hoay định nghĩa chữ tình “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” (Vì Sao) như Xuân Diệu” và càng không tỏ lời thủ thỉ “trên đường về nhớ đầy” (Chiều) như Hồ Dzếnh v.v…Đồng thời, cảnh vật quê hương vốn là “yếu tố truyền thống” trong thi ca Việt Nam như đồng ruộng, bờ ao, con đò, con sông, lũy tre, khóm trúc cũng là những hình ảnh ít thấy trong dòng thơ đầy nét suy niệm về bản ngã và cuộc đời của Thanh Tâm Tuyền.
Ngược lại, cách dụng ngữ nghe “vun vút” thứ âm thanh thống khoái của ông lại tạo nên những bức tranh miêu tả nghệ thuật so sánh thật linh động:
“Em gối đầu sương xuống
Chuyện trò bằng bóng mình
Tôi đẹp như hình tôi
 Như cuộc đời, như mọi người… (Đêm Màu Hồng)
hoặc
“Anh phải làm mới tình yêu
Như sửa sang nhà cửa
Như xây dựng thành phố
Như vun bón ruộng vườn
Như nhìn vào vũ trụ
Khi thế giới vừa dựng
Sẽ mời mọc tình nhân
Khi mặt trời vừa thức
Đòi gặp mùa xuân
Cho làn mi lá ngủ
Cho khoé mắt biển sâu
Cho đồi hoa bát ngát
Bài thơ tình đã bỏ…” (Bài Thơ Tháng Giêng)        
Và lạ lùng hơn là bút pháp “đảo âm” khi đặt lời tựa cho bài “Mưa Ngủ” được kết hợp cùng lối so sánh thú vị của Thanh Tâm Tuyền nghe tựa như lời nhạc “rap” của một ca khúc mang nền nhạc “hip hop” nào đó:
“Tôi đứng nhìn mưa bên sông,
 Mưa nửa giòng nước.
Ôi nếu được ngủ dưới mái tranh,
Mùi đất bốc mưa mới đầu ấm phổi hơn một hơi thuốc lá….
Mưa bên kia sông mưa nửa giòng nước
Ta thương cô như bước nhớ chân
Hoa dù tàn muôn vạn nghìn lần
Lòng ta vẫn chỉ một lần thương yêu…”
*
Sau cơn chính biến 30/4/1975 đưa đất nước chìm đắm trong nỗi hờn đau, tủi hận dưới ách thống trị tàn ác và ngu xuẩn của tập đoàn cộng sản Bắc Việt,  Thanh Tâm Tuyền cũng bị chúng đày đọa trong các trại tập trung như bao nghệ sĩ và quân nhân miền Nam Việt Nam khác. Trải qua gần 12 năm sống trong gông cùm ở các trại giam từ Nam ra Bắc, đến đầu thập niên 1990 Thanh Tâm Tuyền cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư tại thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota theo chương trình HO. Ông tạ thế ngày 22/6/2006 vì chứng ung thư phổi sau những ngày tháng gần như sống ẩn dật trên đất Mỹ.
Ngoài các tập thơ nổi tiếng như “Tôi Không Còn Cô Độc”, “Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy”, “Thơ Ở Đâu Xa”, Thanh Tâm Tuyền còn là tác giả của những tập tuyện ngắn “Bếp Lửa”, “Khuôn Mặt’, “Dọc Đường” và 3 quyển tiểu thuyết “Cát Lầy”, “Mù Khơi”, “Tiếng Động” và một phiếm luận mang tựa đề “Tạp Ghi” cùng vở kịch ngắn “Ba Chị Em”.
Ngoài lòng mến mộ khí phách đảm lược của một kẻ sĩ dám đứng thẳng trước những định kiến để làm mới Thơ, người yêu thơ còn yêu nhà thi sĩ có “trái tim của dòng suối màu xanh” (Thanh Tâm Tuyền) qua những vần thơ độc đáo nơi cách dụng từ và cú pháp linh động của ông.
Tuy là một tên tuổi lớn trên thi đàn cận đại Việt Nam và được nhiều nhà phê bình văn học nhận định về đủ khía cạnh hoặc chủ đề sáng tác, nhưng tựu chung Thanh Tâm Tuyền vẫn là một nhà thơ mới gần gũi với giới yêu chuộng thi ca nếu ta đừng khoác cho ông quá nhiều nhãn hiệu như “tượng trưng”, “siêu thực”, “hoài nghi”, “xót xa” hay “phẫn nộ”. Bởi lẽ, dòng thơ của ông luôn tuôn chảy như một dòng suối xanh phóng thoáng ý tưởng và tươi mát tâm hồn vị nghệ thuật.
@Khôi Nguyên

No comments:

Post a Comment