Saturday, February 15, 2014

Nguyễn Minh Bích Và Ngòi Bút Tìm Lại Bản Sắc Việt - Khôi Nguyên

@bichminhnguyen.com

Trong lứa tuổi trưởng thành ở hải ngoại, có lẽ niềm khao khát mãnh liệt nhất về tinh thần của lớp người trẻ Việt nam gốc tị nạn chính là sự tìm hiểu về bản sắc dân tộc và quê hương xuyên qua các hình thức văn hóa được thể hiện gần gũi qua nếp sống hàng ngày của phụ huynh các em. Ngoài ra, tùy theo bối cảnh sinh hoạt, tuy cũng có nhiều trường hợp giới trẻ xuất thân từ các gia đình người Việt tị nạn hấp thụ nhanh chóng nền văn hóa và dường như trở thành người bản xứ, nhưng tận đáy sâu tâm hồn họ vẫn còn tiềm tàng ý thức về nòi giống như một ngọn lửa âm ỷ chỉ chờ đợi cơ hội thuận tiện để bộc phát bản sắc thật của mình.
Từ đó, những tác phẩm văn chương mang nội dung nói về bản sắc dân tộc đã được nhiều ngòi bút gốc Việt diễn tả một cách trung thực qua chính kinh nghiệm từng trải của họ trong cuộc sống nơi xứ người. Đặc biệt, do sở trường mẫn cảm, nhạy bén và sâu sắc trong cách nhìn vốn là ưu điểm mà đấng Tạo Hóa dành riêng cho phái yếu, nên hầu như các nhà văn nổi tiếng hiện nay thuộc lĩnh vực sáng tác văn chương đều là nữ giới. Và một trong những khuôn mặt tiêu biểu phải kể đến tác giả Bich Minh Nguyen, tức Nguyễn Minh Bích viết theo cách đặt tên Việt Nam, được biết đến qua hai tác phẩm “Stealing Buddha’s Dinner” và “Short Girls” đều đoạt các giải thưởng văn học giá trị của Hoa Kỳ.
*
Chào đời vào tháng 8/1974 tại thủ đô Sài Gòn trong tình hình chiến cuộc ngày càng dâng cao với mức độ đánh phá ác liệt của quân cộng sản Bắc Việt, cô bé Nguyễn Minh Bích đã sớm cùng gia đình di tản khỏi Việt Nam ngay đêm 29/4/1975 khi chỉ được 8 tháng tuổi. Nhưng mẹ cô bị kẹt lại trong cơn loạn lạc. Sau đó, Nguyễn Minh Bích cùng bà nội, cha cô, người chị và hai người chú đến định cư tại thành phố Grand Rapids thuộc tiểu bang Michigan của Hoa Kỳ. Lúc đương thời, đây là vùng đất rất ít cư dân Việt Nam nên gia đình Nguyễn Minh Bích sống lẻ loi giữa cộng đồng nhiều sắc tộc gốc Châu Âu như Hòa Lan, Đức, Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan vốn có truyền thống bảo thủ. Do đó, cô đã từng trải thời gian cô độc vì bị kỳ thị. Với màu da khác biệt cùng vóc dáng thấp bé, cô luôn trở thành đề tài cho chúng bạn trêu chọc. Ngoài ra, do gia đình cô theo đạo Phật khác với đạo Công Giáo của nhóm bạn Âu Mỹ nên cô cũng thường bị xa lánh. Ngay cả tên “Bích” còn gây nhiều trở ngại cho các bạn cô khi phát âm nên nhiều lúc cô muốn đổi thành tên Mỹ nhưng cuối cùng nhờ vào ý thức bản sắc cội nguồn dân tộc đã giúp cô vượt qua ý nghĩ tiêu cực này.
Lần lượt vượt qua các trở ngại về xung đột văn hóa, Nguyễn Minh Bích đã nhanh chóng hội nhập vào dòng sinh hoạt mới tại Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp bằng Cử Nhân ngành Nghệ Thuật Văn Chương tại Đại Học Michigan, cô trở thành giảng sư của Đại Học North Carolina Greensboro. Đến năm 2002, cô kết hôn với nhà văn kiêm giáo sư Anh ngữ Porter Shreve và chuyển cư về thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Vốn có sở thích về văn chương nên Nguyễn Minh Bích từng sáng tác các loại truyện tiểu thuyết hư cấu nhưng không thành công. Cho đến khi cô chợt nhận ra những mẩu chuyện về người thật việc thật luôn đầy dẫy trong ký ức của mình suốt quãng đời thơ ấu thì nguồn cảm hứng tuôn trào đưa đến sự ra đời của quyển hồi ký “Stealing Buddha’s Dinner” vào năm 2008, được trao giải thưởng danh giá PEN/Jerard của Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ “PEN America”.


Điểm nổi bật  “độc nhất vô nhị” của quyển hồi ký này là ý tưởng về các món ăn đã đưa Nguyễn Minh Bích trở về bản sắc dân tộc. Qua giọng văn lôi cuốn, biểu hiện óc quan sát tài tình ở những đoạn miêu tả các loại thực phẩm và rất trong sáng khi bộc lộ cảm nghĩ chân thật, Nguyễn Minh Bích thuật lại đoạn phim quá khứ của cô từ chuyến di tản trên chiếc hạm đến trại tị nạn ở Guam và Alaska rồi đặt chân đến Hoa Kỳ. Lúc đó, gia đình cô phải làm việc vất vả để tìm kế sinh nhai. Trải qua nhiều kinh nghiệm bị kỳ thị, cô muốn trở thành một người Mỹ với ý hướng sẵn sàng hội nhập vào cách sinh hoạt của người bản xứ và đặc biệt là các món ăn. Nhưng cuối cùng, chính các món ăn truyền thống Việt Nam như phở, chả giò, gỏi cuốn, canh chua v.v… mới tạo cho cô những hương vị đậm đà nhất. Ngoài ra, Nguyễn Minh Bích cũng thú nhận rằng cô từng ăn vụng các thực phẩm chay do bà nội mình nấu để cúng trên bàn thờ Phật. Tựa đề quyển sách “Stealing Buddha’s Dinner” có được cũng là nhờ vào chi tiết này.
Thấp thoáng trong quyển hồi ký, Nguyễn Minh Bích có nhắc đến mẹ cô, đến Hoa Kỳ sau khi cha cô tái hôn với một phụ nữ gốc La Tinh khác. Có lẽ cô muốn gợi lại sợi dây thiêng liêng của tình mẫu tử đã phai nhạt bấy lâu nhưng giờ đây chợt hiện ra một cách rõ nét hơn từ lúc cô nhận ra bản sắc của chính mình.
Tóm lại, với văn phong lưu loát của một giảng sư ngành văn chương, Nguyễn Minh Bích đã đạt đến đỉnh thành công qua nghệ thuât kể chuyện vừa khúc chiết vừa chân tình và nhất là đậm nét duyên dáng của một ngòi bút phái nữ.
*
Sau khi gây được sự chú ý nơi dư luận văn học Hoa Kỳ, quyển tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Minh Bích mang tựa đề “Short Girl” lại tiếp tục khẳng định sự nghiệp cầm bút của cô khi vinh dự đón nhận giải thưởng “American Book Award 2010”.  


Khởi viết từ năm 2009, “Short Girls” mang nhiều màu sắc của một quyển truyện tâm lý xã hội nói về tâm tư của giới trẻ Việt Nam hiện nay ở Hoa Kỳ.  Với mục đích giới thiệu một cách khách quan về hình ảnh của những người gốc Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, tác giả đã đưa ra nhiều khía cạnh nội tâm sâu thẳm nơi các nhân vật chính là hai chị em xuất thân trong một gia đình người Việt tị nạn. Theo nguyên tác “Short Girls”, tên của người chị là Van Luong và người em gái là Linh Luong hay còn gọi tắt theo Anh ngữ là Linny Luong. 
Dù sớm hấp thụ nền văn hóa xứ người và hầu như không gặp bất cứ trở ngại nào về ngôn ngữ, nhưng thực chất nội tâm của giới trẻ Việt Nam vẫn ẩn hiện nỗi khắc khoải nào đó mà ngôn ngữ không thể diễn tả gẫy gọn hay gói ghém trong vài danh từ. Bởi lẽ, họ vẫn còn dòng máu Việt tuần hoàn trong huyết quản tựa như một vết chàm thấm sâu vào da thịt không thể bôi xoá hay vô tình quên lãng. Đó chính là thông điệp mà Nguyễn Minh Bích muốn gửi đến độc giả Hoa Kỳ.
Đương nhiên, giới trẻ Việt sinh ra và trưởng thành trên đất Mỹ khó có thể hình dung một cách rõ nét về các biến động lịch sử quốc gia đưa đẩy bước chân phụ huynh họ lưu lạc đến Hoa Kỳ. Vì vậy, độc giả sẽ không thể tìm gặp những mẫu chuyện liên quan đến cuộc chiến Quốc Gia- cộng sản. Thay vào đó là những mâu thuẫn nội tại trong cuộc sống đưa đến nhiều xung đột tinh thần làm nảy sinh giá trị nguồn gốc bản sắc mới là nét khắc họa chính yếu giúp độc giả Hoa Kỳ nhìn ra được phần nào tư tưởng và tâm lý của những người trẻ Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai.
Qua đó, nhân vật Van Luong được Nguyễn Minh Bích miêu tả là một phụ nữ thành công trong xã hội, Nhờ thông minh và chăm chỉ học hành với mục tiêu theo đuổi con đường tương lai tươi sáng, Van Luong lấy được bằng Cử Nhân  tại trường Luật Chicago và hành nghề luật sư. Van Luong kết hôn với Miles Oh, cũng là một luật sư gốc Trung Hoa thuộc thế hệ thứ tư. Nhìn vào cuộc sống gia đình vợ chồng Van Luong, ai cũng ao ước được sang giàu và nổi tiếng như họ.  Và dường như đây chính là giấc mơ của hầu hết các bậc phụ huynh gốc Á Đông khi nhìn thấy con cái thành danh thành tài, hơn nữa còn có cuộc sống hôn nhân xứng đôi.
Trong khi đó, Linh Luong tuy có sắc đẹp nổi trội hơn chị nhưng lại yêu thích cuộc sống tự do không bị gò bó theo khuôn khổ nên kém hơn Van Luong về thành tích học vấn. Linh Luong làm đủ mọi công việc được gọi là “nghề bình dân” như bán hàng trong các cửa tiệm tạp hóa, giúp việc nhà hàng v.v.. để có tiền trang trải cho lối sống riêng biệt của mình. Và so với căn nhà lộng lẫy ở khu nhà giàu của chị mình,  Linh Luong lại cảm thấy thoải mái hơn trong một căn phòng mướn nhỏ hẹp. Ngoài sự tương phản này, hai chị em họ Luong chỉ có chung một đặc tính là…chiều cao khiêm tốn. Đến đây, tựa đề “Short Girls” của quyển truyện lại càng lôi cuốn độc giả đi vào từng chi tiết.
Nếu Van Luong luôn coi trọng địa vị và học thức thì Linh Luong chỉ chú ý đến sắc đẹp vốn là vũ khí quan trọng nhất của phụ nữ. Qua những lần đối thoại, hai chị em họ tuy không đến nỗi cãi vã lớn tiếng nhưng thường châm chích nhau. Nếu Van Luong trách em mình không chịu học hành nên không có tương lai tươi sáng thì ngược lại Luong Linh cũng khuyên chị mình nên để ý đến cách trang điểm và nên luôn thay đổi kiểu tóc.
So với Linh Luong là biểu hiện của một người trẻ thích sống thật với chính mình thì Van Luong lại mang nhiều mặc cảm dù đã thành danh. Van Luong cảm thấy cô nhỏ bé đối với người ngoại quốc cả về sức vóc lẫn hoàn cảnh xuất thân. Đặc biệt, đối với gia đình chồng thuộc dòng họ danh giá giàu có khét tiếng, Van Luong càng mang nhiều mặc cảm hơn. Hơn nữa, cho dù yêu nhau và cưới nhau nhưng giữa Van Luong và chồng cô Miles Oh cũng bắt đầu xuất hiện nhiều mâu thuẫn do quan niệm khác biệt về cuộc sống vật chất dù lúc ban đầu họ đã cố gắng kìm chế hoặc cố quên đi trước sức hút của tình yêu. Xuất phát từ những nỗi ấm ức lâu ngày mà Miles Oh cho rằng anh đã nhường nhịn và “hy sinh” cho vợ mình đủ điều, cuối cùng Miles Oh đã bỏ nhà ra đi.
Từ lúc sống cô độc riêng lẻ, Van Luong dần tìm lại được chính bản thân cô. Đó là sợi dây nối kết tình thân của gia đình. Cô trở nên gắn bó với Linh Luong và hiểu được rằng mình phải tôn trọng lối sống của người khác. Qua sự biến chuyển tâm lý này, hai chị em họ bỗng nhiên cảm thấy gần gũi nhau hơn và nhận ra được giữa họ không có chút tương phản nào về bản sắc. Lúc này, Van Luong cũng chẳng màng để ý dư luận hay mang mặc cảm như trước vì cô đã hiểu thế nào là sống cho chính mình và người thân.

Bich and her family (Dad, Grandma, Stepmom) 

Có thể kết luận rằng điểm nổi bật của quyển truyện “Short Girls” là lối dàn dựng nhân vật Van Luong của tác giả Nguyễn Minh Bích. Đầu tiên, cô tạo cho người đọc cảm giác mờ nhạt về Van Luong và lôi kéo lòng hiếu kỳ của độc giả chú tâm vào lối sống đầy cá tính của Linh Luong, nhưng sau đó Van Luong mới bộc lộ nét đặc sắc của một nhân vật chính. 
Chỉ cần nhìn qua đặc tính này cũng đủ chứng tỏ Nguyễn Minh Bích là một ngòi bút xuất sắc và hứa hẹn nhiều bước tiến mới trong tương lai trên văn đàn Hoa Kỳ lẫn thế giới.
@Khôi Nguyên

No comments:

Post a Comment