Sunday, February 23, 2014

Úc Và Chuyện Cải Tổ Giáo Dục - Phương Chi

©abc.net.au

Tin tức thời sự ở Úc mấy ngày nay không ngoài những vụ xô xát và bạo động ở trại tạm giam người tầm trú trên đảo Manus (đến mức các tổ chức tranh đấu cho quyền tị nạn liên tục báo động và đòi hỏi chính phủ Úc phải lập tức điều tra  về những vụ bạo loạn này, cũng như phải xét lại điều kiện sinh sống của người tị nạn trên đảo Manus).
Bên cạnh đó, một tin thời sự không kém quan trọng đang gây chú ý cho các nhà chuyên môn về giáo dục Úc cũng như khiến các giáo viên (thấp cổ bé miệng) không khỏi lắc đầu ngao ngán là những  tuyên bố "nổ như tạc đạn" của Tổng trưởng giáo dục liên bang Christopher Pyne. Qua báo chí cũng như truyền hình, truyền thanh, ông Pyne hùng hồn tuyên bố  rằng “để thay đổi thành quả học hành của học sinh thì  Úc cần phải có giáo viên giỏi”.

Thật ra, lời  tuyên bố của Tổng trưởng Pyne chẳng có gì mới lạ, nếu không nói là … cũ rich.  Kết quả các cuộc nghiên cứu giáo dục trong hơn hai thập niên qua đều dẫn đến kết luận “kết quả  học hành của học sinh không phụ thuộc vào trường tư hay công,  trường nghèo hay giàu, mà chỉ có giáo viên giỏi mới có thể thay đổi được khả năng cũng như kết quả học hành của học sinh mà thôi”.

Tuy vậy, hệ thống giáo dục ở Úc suốt mấy thập niên qua hầu như đã không có cải tổ  nào đáng kể. Thành quả học sinh Úc đạt được trong các kỳ thi quốc tế PISA (Programme for Internaitonal Student Assessment)  ngày càng tuột dốc so với các nước thuộc tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) nhất là các nước Á châu trong vùng như Trung quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, Singapore vv... Chính vì sự tuột dốc này mà chính phủ Lao động tiền nhiệm khi còn cầm quyền đã đưa ra những đề nghị táo bạo, được gọi “cuộc cách mạng giáo dục chưa từng thấy trong lịch sử giáo dục tại Úc”. Đó là mô hình mới về phương thức phân bổ nguồn tài trợ giáo dục (thường gọi là kế hoạch Gonski).

©theage.com.au
©theage.com.au

Thế nhưng chưa kịp áp dụng mô hình đã được hầu hết  dân Úc từ giáo viên, phụ huynh cho đến các nhà giáo dục có tiếng mạnh mẽ ủng hộ thì đảng Lao động đã bị thảm bại trong kỳ bầu cử liên bang tháng 7/2013. Và vì vậy, mô hình tài trợ giáo dục Gonski được cho là sẽ san bằng được sự chênh lệch giữa trường giàu và trường nghèo, cũng như  cung cấp  những  giáo viên đặc biệt chuyên về Toán và Anh văn để giúp học sinh kém,  nay trong tay chính quyền Liên đảng và  số phận  mô hình Gonski chưa biết ra sao.

Christopher Pyne ©canberratimes.com.au

Trở lại lời  tuyên bố mới nhất của Tổng trưởng Pyne. Lý do mà  giới giáo viên  Úc lắc đầu ngao ngán khi ông Pyne nói vậy, vì trong thời gian mới lên làm Tổng trưởng Giáo dục chỉ  mấy tháng mà đã không biết bao lần ông Tổng trưởng này bị vạ miệng. Vạ miệng vì tuyên bố xong mới biết mình nói hớ nên phải phân bua, xin lỗi công chúng, như ông đã từng lớn tiếng tuyên bố “hủy bỏ mô hình tài trợ giáo dục Gonski”.

Việc ông Pyne hùng hồn công bố “khám phá” mới nhất của mình khiến những người làm việc trong ngành giáo dục trợn mắt, lắc đầu ngao ngán. Ngao ngán vì mới đây, đảng Tự do của chính phủ ông chưa chi đã hăm he cho “viết lại toàn bộ giáo trình toàn quốc”, trong khi giáo trình này chỉ mới được áp dụng trong vòng 2 năm trở lại đây, tức là chưa qua hết  thời kỳ thử thách.

©aeuvic.asn.au

Chưa hết, mô hình tài trợ giáo dục Gonski từng được đảng Lao động đề nghị áp dụng trong 6 năm bị  ông Pyne quyết định giảm xuống chỉ còn 4 năm, có nghĩa là, sau đó nếu đảng Tự do nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, thì không chắc mô hình tài trợ Gonski sẽ được tiếp tục, và như vậy thì các cuộc cải tổ gíáo dục xem như muối bỏ biển. Nay thêm lời tuyên bố mới nhất  của ông Pyne, mọi người băn khoăn không biết rồi đây tương lai nền giáo dục Úc sẽ đi về đâu?

*

Giáo viên dạy học ở Úc nói riêng, và những người làm việc trong ngành giáo dục nói chung, nay chẳng còn tha thiết gì đến những cuộc cải tổ kiểu nửa mùa này nữa rồi , vì họ biết rằng, những vụ cải tổ kiểu “mì ăn liền” kia chẳng chóng thì chày rồi cũng sẽ không đi đến đâu.

Từ xưa đến nay, nói riêng về mặt giáo dục, hầu như  đảng nào lên nắm quyền cũng luôn muốn đưa ra những cải tổ của riêng mình mà không  cần biết  chính sách hiện hành có hiệu quả hay không. Mục đích của họ là phải để lại dấu ấn cái đã, kiểu “chính phủ của chúng tôi đưa ra được những chính sách mới”, chứ nếu dành được chính quyền mà  lại áp dụng những  chính sách của chính phủ tiền nhiệm để lại thì sau này làm sao … kể công! Và đây là lý do then chốt dẫn đến sự thất bại của hầu hết các vụ cải tổ giáo dục ở Úc.

Tại sao lại thất bại? Nguyên do dễ hiểu nhất vẫn là những cải tổ đưa ra đều có tính cách nhất thời và ngắn hạn vì tất cả chỉ phụ thuộc vào mục đích làm sao câu được lá phiếu của cử tri. Nếu sau 3 năm đảng cầm quyền thất cử, thì y như rằng, tân chính phủ lên thay  chắc chắn lại sẽ đưa ra những cải tổ khác. Những vụ cải tổ giáo dục xảy ra thường xuyên (như cơm bữa) đến nỗi giáo viên Úc chẳng còn thiết tha, chú ý gì đến những tuyên bố rùm beng kiểu của tổng trưởng Pyne nữa.

A Classroom in Finland ©finnishscholl.yle.fi

Đã nhiều lần PC thắc mắc tại sao chính phủ Úc không chịu học kinh nghiệm cải tổ giáo dục của Phần Lan? Bài học Phần Lan đáng để tất cả các nhà soạn thảo chính sách giáo dục trên thế giới học hỏi chứ không riêng gì Úc. Trong nhiều năm liền, học sinh Phần Lan luôn đứng đầu trong các kỳ thi quốc tế PISA.

2011-2012 PISA chart ©readinghorizons.com

Nhà khoa bảng nổi tiếng của Phần Lan, Tiến sĩ Pasi Sahlberg cho biết,  thật ra Phần Lan không áp dụng những biện pháp cải tổ giáo dục nào kiểu “đao to búa lớn” cả. Mục tiêu giáo dục chính mà Phần Lan đưa ra và được mọi giới trong nước hưởng ứng là “làm sao có  những trường công lập tốt nhất cho tất cả mọi trẻ em trong nước”.  Từ mục tiêu đơn giản này, Phần Lan đã thu hút cũng như gây được cảm hứng của mọi giới trong nước, cùng nhau làm việc để đạt mục tiêu đưa ra. Để làm được điều này, Phần Lan chỉ chọn những cá nhân xuất sắc nhất vào học ngành sư phạm (những học sinh, sinh viên tốt nghiệp hạng cao nhất thuộc hàng top 10%). Hơn thế, những người muốn xin vào ngành sư phạm phải qua một cuộc phỏng vấn khá gắt gao và trong 2,000 đơn xin thì chính phủ Phần Lan chỉ chọn khoảng 120 người mà thôi.

Giáo viên ở Phần Lan bắt buộc phải có bằng Cao Học mới được đi dạy, bất kể là dạy ở bậc nào,  tiểu học hay trung học. Cũng theo Tiến sĩ Sahlberg, giáo viên ở Phần Lan không những có trình độ cao, mà còn được đối xử ngang hàng với giới  bác sĩ , luật sư.

©thecornerstoneforteacher.com

Thế nhưng điều quan trọng nhất mà Tiến sĩ Sahlberg nhấn mạnh là “cho dù đảng phái nào lên cầm quyền, các chính sách cũng như mục tiêu giáo dục của Phần Lan không hề bị sửa đổi”.

Tiến sĩ Sahlberg cho biết, chính vì mục đích chung của quốc gia cũng như thành quả học tập của học sinh được đặt lên cao hơn quyền lợi chính trị , các cuộc cải tổ giáo dục tại Phần Lan được duy trì liên tục, bất kể dù đảng nào lên nắm quyền. Đây là điều  rất khác biệt giữa Úc và Phần Lan . Bài học Phần Lan do đó đáng được các vị Tổng Bộ trưởng giáo dục cấp liên bang và tiểu bang  Úc làm sách gối đầu.

*

Sau cùng, ngoài thành quả học tập đứng đầu trong nhiều năm liền của học sinh Phần Lan trong các kỳ thi quốc tế,  một điều khác mà  cá nhân PC rất khâm phục là “chính phủ Phần Lan không đặt nặng thành quả học tập, mà điều tối quan trọng chú ý đến là đời sống tinh thần và thể chất của học sinh”. Theo các kết quả thăm dò, cũng của PISA, học  sinh Phần Lan luôn được đánh giá là hạnh phúc và có đời sống phát triển về cả thể chất lẫn  tinh thần cao hơn các nước phát triển khác (kể cả Hoa Kỳ).

PC không khỏi tự hỏi “có phải chính vì đời sống tinh thần thoải mái và được quan tâm đúng mức mà học sinh Phần Lan luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi hay chăng?”

Không biết chính phủ Úc có nghiên cứu bài học  “The Finnish Lessons”  hay chưa, chứ nếu cứ tiếp tục đi theo con đường cải tổ để được coi là có cải tổ thì  thật chẳng có gì là quá đáng khi cho rằng chuyện cải tổ giáo dục ở Úc giống như truyện chưởng nhiều tập.

Chỉ có điều khác là truyện chưởng càng về hồi sau thì càng hấp dẫn, còn các vụ cải tổ giáo dục kiểu nửa vời ở Úc thì càng về sau lại càng ... chán lắm người ơi.

©Phương Chi 22/2/2014


No comments:

Post a Comment