Monday, February 17, 2014

Môn Cricket Và Giải Đấu Truyền Thống “The Ashes” Vào Mùa Hè Tại Úc - Khôi Nguyên



Bên cạnh những đám cháy rừng lan tỏa khắp nơi với nhiệt độ vượt qua trục số 40 độ C của một số ngày nóng bức trong mùa Hè tại miền Nam Bán Cầu, người dân xứ sở Kangaroo vẫn quay cuồng theo từng nhịp đấu sôi động của giải “The Ashes” môn Cricket.
Ngưới Úc vốn nổi tiếng yêu chuộng thể thao và Cricket là một trong những môn thể thao giải trí được ái mộ nhất với giải đấu danh giá hàng đầu là “The Ashes” kèm theo loạt trận đối kháng quyết liệt diễn ra giữa đội tuyển Úc và đội tuyển Anh. Giải The Ashes được tổ chức tại Úc hai năm một lần vì loạt trận đấu này được tổ chức luân phiên tại Vương Quốc Anh và Úc. Loạt trận đối kháng của giải The Ashes mùa bóng 2013-2014 vừa qua đã diễn ra từ tháng 11/2013 ở Úc.

Nhìn qua hình thức tranh tài định kỳ, The Ashes tuy mang tính chất cạnh tranh gay gắt nhưng lại bao hàm nhiều ý nghĩa thân thiện giữa hai quốc gia Anh- Úc, được khởi nguồn từ một sự kiện truyền thống của môn cricket từ thế kỷ thứ 19.
Giải The Ashes được hình thành từ năm 1882, khi đội tuyển Úc lập thành tích lần đầu tiên đánh bại đội tuyển Anh trên đất địch. Nhân dịp này, một tờ báo Anh Quốc đã lên tiếng “khai tử” môn cricket với lời tuyên bố trên bản “cáo phó” châm biếm rằng người ta đã hỏa thiêu môn thể thao cricket và tro (ashes) của nó được mang về Úc. Không ngờ trò đùa này đã trở nên phổ biến nhanh chóng, đến độ chuyến thi đấu tại Úc của đội tuyển Anh năm vào mùa bóng 1882-1883 được gọi là “Sứ mệnh đòi lại The Ashes (tro)”. Cũng trong chuyến giao đấu này, một nhóm phụ nữ ở Melbourne đã đưa cho thủ quân đội tuyển Anh đương thời là Ivo Bligh, một chiếc bình nhỏ đựng tro, được cho là lưu giữ phần tro than của một thanh gậy quật, quả bóng hoặc trụ Wicket, tức 3 thanh gỗ dựng phía sau vị trí tuyển thủ đứng quật bóng. Sau đó, hình thức đội chiến thắng trưng ra một chiếc cúp có mô hình giống bình đựng tro đã trở thành truyền thống lịch sử của giải Ashes.


Hiện nay, chiếc bình đựng tro nguyên bản vẫn còn được cất giữ tại Bảo Tàng Câu Lạc Bộ Cricket Marylebone ở London, trong khi Úc và Anh hàng năm tranh nhau chiếc cúp mô hình làm bằng Pha Lê của hãng chế tạo Waterford. Đây là chiếc cúp Ashes chính thức từ mùa bóng 1998-1999.  Cũng vì chiếc cúp này mà các đội tuyển và nhóm cổ động viên của họ gồm đội Barmy Army ở Anh và đội Fanatics ở Úc, đã phải lặn lội vượt đại dương mỗi năm để chiếm đoạt.  Mỗi giải The Ashes thi đấu 5 trận với hai hiệp mỗi trận và được áp dụng theo quy tắc thông thường dành cho môn cricket đối kháng quốc tế (Test Match).



Cricket, tức “Bản Cầu” là môn thể thao tranh tài qua hình thức ném bóng và quật bóng giữa hai đội, mỗi đội gồm 11 tuyển thủ khá tương tự như môn Dã Cầu (Baseball) và được diễn ra trên sân đấu hình tròn có bán kính khoảng 70m gọi là “Oval”. Kèm theo những diễn tiến thứ tự đổi phiên tấn công và phòng thủ của hai đội trong lúc thi đấu trên sân, môn Cricket còn được xen vào giờ “giải khát” gọi là “Tea Time” để tạo dịp giao lưu thân mật giữa các cầu thủ đôi bên. Vì vậy, qua đặc tính ưu nhã và tạo được bầu không khí thân thiện trong một trận đấu nên Cricket còn được gọi là môn thể thao “lịch sự và quý phái”.

Môn Cricket có nguồn gốc xuất phát từ Anh Quốc vào khoảng giữa thế kỷ 16 và được phổ biến rộng rãi trên các quốc gia trong khối Thịnh Vượng Chung (The Commonwealth of Nations). Hiện nay, Cricket là môn thể thao được ưa chuộng một cách cuồng nhiệt tại hơn 100 quốc gia và các khu vực trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Anh Quốc, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Cộng Hòa Nam Phi, Zimbabwe, Jamaica v.v…
Riêng tại Anh Quốc, Cricket cùng với Rugby là hai môn thể thao dành cho giới thượng lưu và trở thành môn học chính thức của giờ thể dục tại tất cả các tư thục danh môn. Ngoài ra, theo thống kê thì Cricket được xếp hạng Nhì trên thế giới sau môn Túc Cầu về nhân số luyện tập do số lượng đông đảo người dân Ấn Độ ái mộ môn thể thao này đã chiếm hơn phân nửa.


Trên bình diện tổng quát, Cricket tương đồng với môn Dã Cầu qua hình thức một tuyển thủ của đội phòng thủ ném quả bóng nhỏ về phía tuyển thủ quật bóng của đội tấn công và trong thời gian bóng lăn trên sân sau khi bị quật trúng, các tuyển của đội tấn công sẽ chạy đến các vị trí quy định để ghi điểm.

Tuy nhiên, trên căn bản Cricket cũng có rất nhiều điểm khác biệt với Dã Cầu như sau:
- Tuyển thủ ném bóng chạy từ xa đến vị trí ném để lấy đà và kèm theo động tác xoay vòng cánh tay ném bóng chạm đất với mục đích cho bóng văng lên trúng vào 3 thanh gỗ được dựng phía sau lưng tuyển thủ quật bóng, gọi là trụ “Wicket”, để loại đối phương mất quyền quật bóng. Do đặc tính sử dụng trụ “Wicket” trong lúc tranh tài nên Cricket được gọi bằng tiếng Hán Việt là “Bản Cầu”, tức môn chơi bóng có thanh gỗ.







- Tuyển thủ quật bóng có thể hướng về tất cả các phương vị để ra gậy quật bóng và sử dụng loại gậy cứng bằng gỗ có cán tròn, thân dẹp bè rộng ra ở phần trên. Đồng thời, tuyển thủ quật bóng còn đội mũ an toàn có vành sắt che trước mặt. Riêng tuyển thủ chụp bóng thì được đeo găng ở cả hai bàn tay
- Nếu tuyển thủ quật bóng để quả bóng chạm trúng “Wicket” thì sẽ bị tính là một “out”, tức bị loại ra sân để đến phiên đồng đội vào quật bóng tiếp. Trường hợp bóng không chạm vào Wicket thì tuyển thủ quật bóng có thể quật nhiều lần cho đến khi ghi được điểm hoặc bị loại theo các hình thức khác như: bị đối phương chụp được bóng trên không trung sau khi quật bóng, đứng đưa chân ra phía trước trong tư thế với theo bóng để quật và chân còn lại che khuất trụ “Wicket” (leg before wicket)
- Có hai tuyển thủ quật bóng khi tấn công và đứng trước ở vị trí hai đầu của khoảng đất hình chữ nhật được thiết trí ngay giữa sân đấu gọi là khu vực “pitch”.

Kế đến, môn Cricket còn mang đặc tính nổi bật với 3 hình thức thi đấu chính như sau:

1. One Day International (ODI). Là hình thức thi đấu giữa các đội tuyển quốc gia tại giải “Vô Địch Cricket Thế Giới” (Cricket World Cup), được giới hạn trong “50 Over”, tức không quá con số 300 lần ném bóng (1 Over gồm 6 lần ném bóng) và “1 Innings”, tức các cầu thủ trong đội tấn công được ra sân 1 lần để quật bóng theo thứ tự từ 1 đến 11 trong thời gian quy định, sau đó sẽ đổi phiên cho đối phương tấn công. Đây là hình thức thi đấu được sáng chế từ khoảng cuối thập niên 1970 với mục đích giảm bớt thời gian tranh tài để đi đến kết quả thắng bại trong vòng một ngày nên còn được gọi là “One Day Cricket”. Trung bình một trận “One Day Cricket” kéo dài từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ.
2. Test Match. Còn gọi là “Test Cricket” tức hình thức đối kháng giữa hai đội tuyển quốc gia trong những lần tranh tài mang tính cách truyền thống và thi đấu định kỳ với thời gian thi đấu kéo dài tối đa được quy định trong vòng 5 ngày, nên được gọi là “Cricket đối kháng”. Trường hợp đội tuyển nào đạt chiến thắng trước 5 ngày thì trận đấu sẽ chấm dứt sớm, ngược lại nếu vượt quá 5 ngày vẫn chưa có đội thắng cuộc thì trận đấu cũng được kết thúc với kết quả một trận hòa. Theo quy định của “Hội Đồng Cricket Quốc Tế” (ICC: International Cricket Council), những đội tuyển quốc gia nào đạt đủ tiêu chuẩn về đẳng cấp trình độ mới được công nhận có tư cách tham chiến ở hình thức “Test Cricket”.
Hiện nay, chỉ có 10 đội tuyển được ICC nhìn nhận trong danh sách tham chiến ở hình thức này là: Anh Quốc, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Cộng Hòa Nam Phi, Ấn Độ, Pakistan. Bangladesh, West Indies, Sri Lanka, Zimbabwe. Hình thức “Test Cricket” không giới hạn số lần ném bóng và áp dụng luật “ 2 Innings”, tức các tuyển thủ trong đội tấn công được ra sân 2 lần liên tiếp theo thứ tự quật bóng từ 1 đến đến 11.
3. Twenty20. Là hình thức thi đấu được cải tiến từ dạng “On Day Cricket” được ra đời từ đầu thập niên 2000 nhằm rút ngắn thời gian thi đấu xuống còn khoảng trung bình từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng đồng hồ cho một trận đấu để thu hút những khán giả mới làm quen với bộ môn này. “Twenty20” mang ý nghĩa của việc mỗi đội được quật bóng trong vòng giới hạn của “20 Over” tức 120 lần ném bóng và “1 Innings”.
Qua đó, “One Day Cricket” là một hình thức thi đấu rất hấp dẫn và được ưa chuộng nhất vì bao gồm hầu hết các chi tiết cũng như đặc tính căn bản của môn Cricket.


*


Trước khi giao đấu ở hình thức “One Day Cricket”, hai đội sẽ bắt thăm bằng cách chọn mặt đồng tiền (coin toss) để chọn đội tấn công và đội phòng thủ. Sau đó, bên đội tấn công sẽ cử ra hai tuyển thủ quật bóng đứng hai đầu của khu “pitch” là dải đất hình chữ nhật có chu vi 21.34mX3.66m được thiết trí ở giữa sân. Mỗi đầu của khu “pitch” có cắm 3 thanh gỗ cao 71cm, mỗi thanh được gọi là “stump” và ở phần trên giữa khoảng cách 3 “stump” còn có hai miếng gỗ  gọi là “bail”. Một cách tổng quát hơn, danh từ gọi chung 3 thanh gỗ này được gọi là trụ “Wicket” hay “tam trụ bản”.

Trong khi đó, bên đội phòng thủ cũng đưa ra một tuyển thủ ném bóng gọi là “Bowler” có nhiệm vụ ném bóng từ vị trí một đầu của “pitch” sang đầu đối diện để bóng chạm đất tưng lên văng trúng trụ “Wicket”. Hơn nữa, còn có tuyển thủ duy nhất được đeo bao tay gọi là “Wicket Keeper”, đứng sau vị trí của trụ “Wicket” để chụp bóng và 9 tuyển thủ khác đứng rải rác ở các vị trí hình tròn trên sân gọi là “Fielder”. Mỗi khi “Bowler” ném bóng thì tuyển thủ quật của đội tấn công gọi là “Batsman” nhắm hướng quật bóng và trường hợp quật trúng bóng văng ra xa thì cả hai tuyển thủ quật bóng lúc đó sẽ cùng chạy qua lại giữa hai vị trí đầu “pitch” tính từ khoảng cách của đường hai đường line “Popping Crease” để tính điểm bằng số lần chạy. Mỗi lần chạy từ đầu “pitch” này sang đầu “pitch” thì được tính là một “Run”. 
Ngoài ra, nếu quật bóng chạm đất lăn ra ngoài lằn biên của sân đấu thì được tính “4 run” và nếu quật bóng văng lên cao bay ra ngoài khu khán đài thì được tính là “6 run”. Trường hợp các tuyển thủ quật bóng xong và chạy nhưng không kịp đến mức “Popping Crease” trong khi đội phòng thủ đã chụp bóng và ném về khu “pitch” thì sẽ bị tính “out”, tức bị loại. Do đó, nếu quật bóng xong mà cảm thấy không được an toàn ở cự ly chạy thì “Batsman” có thể đứng yên tại chỗ và đợi cơ hội ở lần quật kế tiếp. 
Ngược lại, khi bóng bị quật văng đi thì các tuyển thủ của đội phòng thủ phải cố gắng chận lại và ném trả nhanh chóng về khu “pitch” cho đồng đội để ngăn chận số lần “Run” của hai “Batsman”. Tuyển thủ “Batsman” bị loại sẽ được đồng đội vào thay thế với vị trí quật bóng thứ tự cho đến khi toàn đội bị loại thì đổi phiên cho đối phương tấn công.

Tóm lại, “One Day Cricket” là hình thức thi đấu với 11 cầu thủ của đội phòng thủ và 2 cầu thủ của đội tấn công hiện diện trên sân để ném và quật bóng trong cục diện tranh điểm ở những số lần “Run” rất hào hứng và tao nhã vì không có sự va chạm trực tiếp giữa các tuyển thủ.


Trở lại giải đấu The Ahses ở Úc với 5 trận chiến quy định được tổ chức tại các sân cỏ của những thành phố khác nhau gồm: sân Gabba-Brisbane, Adelaide Oval-Adelaide, WACA-Perth, MCG-Melbourne và SCG-Sydney.
Theo truyền thống, Melbourne là thành phố tổ chức trận đấu diễn ra vào ngày Lễ Tặng Quà (Boxing Day) và Sydney là địa điểm của trận đấu chung kết đầu Năm Mới. Do cả hai trận đấu này đều bắt đầu vào các dịp nghỉ lễ nên thu hút đông đảo giới ái mộ bản xứ và khách du lịch.
Du khách sẽ cảm nhận được sự hứng thú tột cùng khi hòa mình vào bầu không khí náo động, cuồng nhiệt của khán giả và trực tiếp chứng kiến niềm đam mê thưởng thức các pha ném và quật bóng ngoạn mục trên sân cricket của giới ái mộ Úc với trận khai mạc trên sân Gabba ở Brisban vào tháng 11, hoặc các trận kế tiếp ở cầu trường Adelaide Oval tại Nam Úc và vận động trường WACA (Western Australian Cricket Association) tại thành phố Perth vào dịp cuối năm.
Đặc biệt, cũng không thể nào bỏ qua trận chiến trong ngày Boxing Day tưng bừng trên sân MCG (Melbourne Cricket Ground) vốn được là một trong những “Thánh Địa Cricket” của Úc với sức chứa khoảng 100.000 khán giả. Và cuối cùng là trận chung kết hấp dẫn tại SCG (Sydney Cricket Ground) ở thành phố phồn hoa nhất xứ sở Kangaroo.

*


Chắc chắn du khách sẽ hài lòng và không sao quên được những kỷ niệm đẹp sau khi trải qua một mùa Hè nhộn nhịp cùng môn cricket với giải đấu truyền thống The Ashes.

@Khôi Nguyên (pictures @ the web)

No comments:

Post a Comment