Monday, February 17, 2014

Dạy Trẻ Làm Việc Thiện - Phương Chi


@www.schnitzelandboo.com

Một buổi cuối tuần, trong lúc giúp người bạn dọn nhà, PC tình cờ thấy được một quyển vở học trò, ngoài bìa quyển vở ghi “Good deeds” tức “Việc thiện” của cô con gái người bạn, chữ viết khá to và có vẻ còn trong giai đoạn tập viết. PC đưa cho cô bạn xem. Xem lại ngày tháng thì mới biết đó là quyển sổ ghi chép việc thiện của bé Thi, con người bạn, lúc bấy giờ cháu chỉ mới 7 tuổi, tức cách nay đúng 12 năm. Cô bé ngày nào nay đã là một thiếu nữ đang học đại học. Người bạn cho biết lúc nhỏ cháu Thi có sinh hoạt Hướng đạo nên được hướng dẫn về ý nghĩa của việc thiện, và các cháu cũng được rèn luyện tinh thần làm việc thiện bằng cách  ghi chép lại những việc thiện mà cháu làm hàng ngày, từ việc lớn đến việc nhỏ trong gia đình, ở trường hay ngoài xã hội. Theo lời người bạn kể, dù bây giờ không còn tham gia sinh hoạt hướng đạo nữa, nhưng cháu vẫn giữ được thói quen luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, người thân và cả tha nhân trong cơn hoạn nạn. 

Làm thế nào để hướng dẫn trẻ  làm việc nghĩa từ khi còn rất bé để các cháu có thể phát triển sự hiểu biết về các công việc từ thiện và từ đó tự nguyện góp phần tham dự vào những công việc này, để không những giúp xã hội được tốt đẹp hơn mà còn khiến các cháu thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn vì đã đem lại được niềm vui đến cho người khác?
*
Xin trở lại với những ghi chép của cô bé tên Thi 7 tuổi này. Được mẹ dạy tiếng Việt ở nhà, nên mỗi ngày cháu ghi rõ mình đã làm những gì để giúp gia đình. Ví dụ cháu thường viết, “hôm nay con kéo màn giúp mẹ” ‘hôm nay con bỏ rác vào thùng cho mẹ”, ‘hôm nay giúp chị dọn bàn ăn”, hoặc “hôm nay con mang nước vào phòng cho bà “ vv.. 
Chị bạn kể, từ những công việc nhỏ bé hàng ngày đó, khi lớn hơn một chút, cô bé thường theo mẹ tham gia những buổi lạc quyên cho các tổ chức từ thiện, hoặc theo đoàn hướng đạo quyên góp cho bệnh viện Nhi đồng Melbourne vào những dịp Good Friday hoặc đi gõ cửa quyên góp cho hội Salvation Army hàng năm.

Chắc hẳn cha mẹ nào cũng muốn con mình có được tấm lòng nhân ái. Vậy làm thế nào giúp để giúp con phát triển được điều đó?
Cách sống,  cách nhìn đời, và chuyện con người chúng ta thể hiện sự quan tâm, chú ý đến người khác đều bắt nguồn từ gia đình, vì thế, người lớn, ông bà, cha mẹ , anh chị trong nhà là những người đầu tiên dẫn dắt, dạy bảo trẻ.
Trẻ con ngay từ khi bắt đầu biết quan sát và trễ nhất đến 3,4 tuổi thường học hỏi qua việc bắt chước người lớn, và người lớn quanh em không ai khác hơn là ông bà, cha mẹ hoặc anh chị trong gia đình. 
Mỗi ngày, các em bắt chước mọi việc,từ hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói  nơi những  thân nhân ruột thịt quanh mình. Những cử chỉ tưởng là đơn giản, nhỏ bé, thường người lớn chúng ta không để ý nhưng trẻ con sẽ để ý và từ đó hay bắt chước. Thí dụ, các em có thể quan sát những hành vi của cha mẹ như giữ cửa lại cho người đi sau mình không bị cánh cửa đập vào mặt, giúp người già yếu khi thấy họ xách đồ vật nặng, đối xử,  nói năng thưa gửi lễ phép với cha mẹ tức ông bà các cháu … Tất cả những việc đó đều được trẻ  quan sát, tiếp nhận để  từ đó bắt chước cha mẹ hành xử y như vậy. 
Theo nhiều nhà chuyên môn giáo dục thì hãy dạy trẻ làm việc thiện từ những công việc nhỏ nhặt nhất trong gia đình như giúp cha mẹ dọn bàn ăn, sáng ngủ dậy tự xếp chăn để giúp Mẹ đỡ bận tâm về những chuyện lặt vặt đó. Vv Lớn lên một chút, khuyến khích và  hãy cùng con gom góp đồ chơi, sách vở để tặng cho các trẻ kém may mắn khác trong những dịp đặc biệt như  Giáng sinh hay lễ Tết …
*
Từ 3 tuổi trẻ đã có thể làm được một số công việc đơn giản. Như việc như đổ nước vào chén cho chó, xếp gọn đồ chơi vào nơi ấn định sau khi chơ, không bỏ bừa bãi …,  để quần áo sạch của mình vào ngăn tủ... những việc nhỏ bé như thế  cho trẻ có cảm giác đã đóng góp được điều gì đó vào gia đình, nơi em luôn nhận được sự quan tâm và chăm sóc của mọi người.
Hãy tạo cho trẻ có cơ hội làm điều tốt.  Cha mẹ có thể và nên thường xuyên khuyến khích trẻ chia sẻ bớt đồ chơi và quần áo của em cho bệnh viện hay hội từ thiện. Điều này rất tốt để huấn luyện cho con biết chia sẻ với người kém may mắn hơn mình. 
Bên cạnh đó, còn có vô số những hành động tưởng chừng như rất nhỏ nhặt không đáng kể nhưng có thể giúp trẻ tự rèn luyện và phát triển thành một công dân tốt của xã hội. Khi đi trên xe buýt, xe lửa, chúng ta thường nhường chỗ cho người già, người khuyết tật, Khi trẻ con thấy cha mẹ cư xử như vậy các cháu cũng sẽ quen và bắt chước để khi lớn hơn một chút, các em cũng sẽ hành xử y như vậy khi đi trên buýt, xe lửa. 

@jakelyall.com

PC có quen một gia đình người Úc. Gia đình này vào dịp Giáng sinh  hàng năm thường mời những người mồ côi cha mẹ đến mừng lễ Noel ở nhà họ, và chuyện này đã trở thành thông lệ hàng năm của gia đình. Người chồng kể với PC rằng, khi ông còn nhỏ, mỗi năm cha mẹ ông đều khuyến khích các con mời bạn nào hoặc không có cha mẹ, hoặc gặp chuyện gì đó kém may mắn trong năm đến nhà cùng ăn Giáng sinh. Hai người con trai của ông bà khi còn nhỏ thường được bà ngoại khuyến khích viết thư thăm hỏi gửi đến những người tầm trú không quen biết bị giam giữ trong các trại tạm giam ở Úc. Nay ở tuổi trưởng thành, hai thanh niên này là những nhà hoạt động hăng say tranh đấu cho người tỵ nạn cũng như một số hoạt động từ thiện khác. 
Rõ ràng, qua cách hành xử của cha mẹ và ông bà đối với những người kém may mắn hơn mình, hai anh em thanh niên này đã học được lòng nhân ái qua những việc làm thực tế hàng ngày.
*
Cha mẹ cũng có thể dạy con làm việc thiện qua hình thức đọc truyện, kể chuyện cho các cháu nghe. Thế nhưng không có sự giảng dạy, hướng dẫn  nào hữu hiệu bằng việc cha mẹ đích thân làm gương cho con noi theo.
Là cha mẹ, chúng ta hãy làm gương cho trẻ từ chính mỗi hành động trong gia đình mình cũng như ở xã hội bên ngoài. Làm sao chúng ta có thể dạy con trung thực nếu bản thân luôn có hành vi giả dối. Cũng có người, làm gì thì làm ở chỗ khác, còn trước mắt con vẫn cố tỏ ra trung thực. Thế nhưng điều ấy còn nguy hiểm hơn nữa, bởi khi trẻ phát giác cha mẹ giả dối thì các cháu sẽ mất niềm tin, không những ở cha mẹ mà ngay cả bản thân và cả những người chung quanh. Bởi theo cái nhìn của trẻ thì nếu cha mẹ mình còn sống dối trá được thì nói chi đến những người ngoài xã hội kia? Cha mẹ phải lương thiện thì mới dạy con lương thiện được. Điều này xem ra rất cũ nhưng lại là một chân lý có giá trị lâu dài.
Hẳn rất nhiều người trong chúng ta đều từng nghe qua câu chuyện ngụ ngôn, kể một người ngồi cạo mảnh gáo dừa. Đứa con 5 tuổi thấy thế bèn hỏi, ba làm gì đó. Ông đáp, để làm chén cho ông nội ăn cơm.  Đứa bé hỏi tiếp, tại sao ba cho ông ăn chén này. Ông bố trả lời vì ông run tay cứ làm bể chén hoài. Vài bữa sau ông thấy con mình cũng đang ngồi cạo mảnh gáo dừa, hỏi con cạo để làm gì  vậy.  Đứa bé đáp” Để mai mốt cho ba làm chén ăn cơm, như ông nội vậy đó.”
*
@robertsaric.com

Tạo cơ hội cho trẻ phát triển lòng nhân ái không những đem lại niềm vui cho người nhận, mà còn đem lại hạnh phúc cho cả người cho. Khi chúng ta dạy con biết quan tâm đến người khác, thì chính chúng ta đang giúp con mình mưu tìm chân hạnh phúc. 
Như Mạnh Tử nói “nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn”, tất cả trẻ con được sinh ra đời đã có sẵn tấm lòng bác ái, từ bi. Nhưng cuộc sống đầy đủ với những bữa cơm ngon, quần áo đẹp dễ dàng làm con trẻ trở nên lãnh cảm với bất hạnh của người khác, chỉ quen nhìn thấy cuộc sống màu hồng, mà quên đi những mặt trái của cuộc đời. 
Nhưng nếu chúng ta chú ý để chỉ cho con nhìn thấy cảnh những người bất hạnh đang sống quanh mình, các cháu sẽ có đượcnhững suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống, cũng như cách sử dụng của cải vật chất.
Lợi ích của việc phát triển lòng từ thiện nơi trẻ em rất lớn. Bên cạnh việc giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, từ thiện còn mang lại cho trẻ sự thúc đẩy mạnh mẽ để nhân rộng lòng nhân ái, để trẻ nhận ra rằng hành động nhân ái của mình, dù nhỏ đến đâu cũng có thể tạo sự khác biệt đối với cuộc sống của một ai đó . Và khi chúng ta hướng dẫn một đứa trẻ giúp đỡ người khác, chính là chúng ta đang góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. 
*
Khi dạy trẻ làm việc thiện, tốt nhất cha mẹ nên để cho con mình tham gia trực tiếp vào những công việc từ thiện đó . Chúng ta có thể dẫn con đến những trung tâm dưỡng lão, những nơi có nuôi trẻ em và người già vô gia cư và cho con cùng tham gia vào một bữa phục vụ ăn uống cho mọi người. 
Trẻ 5 tuổi đã có thể giúp chuyển những khay cơm ra bàn. Thu dọn khay dơ vào, giúp những việc lặt vặt mà chúng ta cảm thấy phù hợp với cháu. Những việc làm thực tế này sẽ cho trẻ một cái nhìn sâu sắc, khác biệt về cuộc sống đầy đủ của trẻ và của mọi người xung quanh. 
Chúng ta cũng có thể khuyến khích con không tiêu vặt trong một tuần để góp tiền cho một hội từ thiện địa phương nào đó, hoặc mua quà Giáng sinh tặng một người bạn kém may mắn hơn vv..
Nếu là người tham gia công tác từ thiện, tốt nhất là nên lựa chọn những dự án nào mà con em mình có thể cùng tham gia với cha mẹ  được. Càng cho con cơ hội được trực tiếp tham dự thì các cháu sẽ càng có thêm hiểu biết sâu sắc hơn về những người kém may mắn, và đồng thời các cháu có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm. 
Chẳng hạn, khi thấy đứa con 6 tuổi của mình đã có thể quan tâm đến chuyện chia sẻ đồ chơi với trẻ em nghèo, chúng ta có thể khuyến khích và đề nghị cháu nghĩ ra cách nào đó để thu thập và phân phối đồ chơi với các trẻ em bất hạnh này. 
Cháu có thể sẽ đề nghị giúp một việc gì đó quanh nhà để kiếm thêm tiền mua đồ chơi. Hoặc có thể xin dán một thông báo trong trường học để vận động thu hút sự đóng góp đồ chơi từ các bạn cùng lớp vv...

@social.razoo.com

Những năm gần đây thế giới ngày càng xảy ra nhiều thảm họa, thiên tai gây thiệt hại nhân mạng lẫn vật chất, và ngày càng có nhiều những hoàn cảnh đáng thương được đề cập trên các phương tiện truyền thông. 
Chứng kiến những điều đó, mỗi người đều tự hỏi  mình “có thể làm gì để giúp họ?”. Thế nhưng chúng ta có bao giờ hỏi con mình câu đó chưa?  
Cộng đồng người Việt chúng ta trong hơn mấy thập niên định cư ở Úc đã có nhiều đóng góp đáng kể vào các công việc từ thiện, như các cuộc lạc quyên cứu trợ nạn nhân thiên tai vừa qua.
Người Việt chúng ta luôn sốt sắng trong các công việc từ thiện, thế nhưng hãy nghĩ thêm một chút rằng chúng ta có thể dạy con mình điều gì qua việc quyên góp này?
Nhiều  cha mẹ cho rằng con cái hãy còn quá nhỏ để có thể giúp đỡ mọi người. Nhưng dạy con cách biết chia sẻ, cảm thông và nghĩ đến người khác ngay từ tuổi ấu thơ luôn luôn là một điều nên làm. 
Vậy chúng ta có thể dạy con chia sẻ như thế nào để gầy dựng một quan niệm đúng đắn của con về vấn đề này?
*
Điều quan trọng của công việc từ thiện là dạy con niềm vui của việc chia sẻ . Đem lại niềm vui cho người khác trong cơn hoạn nạn phải được xem là mục đích của công việc từ thiện , và người làm từ thiện không nên trông chờ được ca ngợi hay khen thưởng. Kéo hộ thùng rác của người hàng xóm vào sân, góp nhặt tiền lẻ để tặng các hội từ thiện là những việc làm nhỏ nhưng không kém quý báu mà chúng ta có thể dạy cho trẻ con. 
Song song với việc khuyến khích con tham gia những công việc từ thiện, chúng ta cũng nên dạy con quan niệm đúng đắn về chuyện này.  Hãy dạy con biết khiêm tốn và kín đáo về việc quyên góp của mình trước mặt bạn bè và người thân,  thậm chí khuyên con không cần nhớ rằng mình đã làm chuyện từ thiện. Hãy bảo với con rằng những đóng góp cá nhân của con và gia đình  chỉ là một khoản rất ít ỏi, rất nhỏ bé so với hậu quả và nỗi chịu đựng của nạn nhân những thảm họa lớn như cháy rừng, bão và động đất mà thôi . 
Hãy dạy con đức khiêm nhường qua việc không khoe khoang những việc làm của cháu và gia đình với người khác, mà chỉ nên khuyến khích và khen con một cách kín đáo. 
Ươm hạt mầm nhân ái trong tâm hồn trẻ là một công việc về lâu về dài chứ không phải và không thể  chỉ là phản ứng một cách có tính tức thời.
Điều này tùy thuộc rất nhiều nơi cách suy nghĩ và cách sống của cha mẹ. Do đó, lòng nhân ái không thể chỉ là một phút chạnh lòng khi chứng kiến thảm cảnh thiên tai gây ra  mà phải bắt nguồn từ lòng đồng cảm thật sự, phải là biểu hiện trung thực của  một tấm lòng nhân ái và một lối sống đẹp. 

@learnhotdog.com

Nên nhớ rằng, mỗi khi chia sẻ niềm vui, và hạnh phúc với con về việc giúp một ai đó, chính là chúng ta cũng đang trao cho con thông điệp về niềm tin và lòng nhân ái. 

@Phương Chi

No comments:

Post a Comment